Cảng hàng không quốc tế Cát Bi: Ghi dấu CONINCO trong công trình hàng không
Thứ năm, 12/05/2016 Hoạt động kinh doanh
Ngày 12/5/2016, dự án Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng, đánh dấu cột mốc quan trọng của CONINCO trong việc cung cấp dịch vụ cho các công trình hàng không. Tại dự án CHKQT Cát Bi, CONINCO thực hiện dịch vụ tư vấn giám sát và thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công.
Cột mốc phát triển
Trải qua gần 40 năm hình thành và phát triển, CONINCO đã thực hiện nhiều loại hình dịch vụ (tư vấn giám sát thi công xây lắp; thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình; thẩm tra thiết kế..) cho hàng chục công trình hàng không lớn nhỏ trải dài khắp Việt Nam như: Nội Bài, Cần Thơ, Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Pleiku, Phú Bài, Vinh, Côn Sơn, Liên Khương…Được Bộ Giao thông vận tải nhận định là “một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn giám sát công trình nhà ga hành khách”, CONINCO đã được Chủ đầu tư tín nhiệm giao thực hiện dịch vụ Tư vấn giám sát thi công xây dựng cho Khu bay và Nhà ga hành khách, Tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công cho Khu bay.
Dự án trọng điểm Quốc gia
Dự án nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi Đây là công trình chào mừng Đại hội 15 Đảng bộ Thành phố. Dự án nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi ngoài khu bay còn có Dự án xây dựng nhà ga hành khách và Đài kiểm soát không lưu. Khi hoàn thành toàn bộ Dự án, Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi sẽ đạt chuẩn Cảng hàng không Quốc tế cấp 4E, có thể vận chuyển 800 hành khách/giờ cao điểm; vận chuyển 20.000 tấn hàng hóa /năm.
Dự án “Đầu tư xây dựng mở rộng Khu bay - Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi” là dự án sân bay lớn. Hải Phòng là địa phương lần đầu tiên trong cả nước được Chính phủ tin tưởng giao là cấp quyết định đầu tư và đồng thời là chủ đầu tư. Dự án được thực hiện theo tiêu chuẩn sân bay hiện đại cấp 4E, là sân bay dự bị đầy đủ cho Cảng hàng Quốc tế Nội Bài, tạo sức hấp dẫn đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ thu hút vốn đầu tư vào thành phố và vào các địa phương trong vùng.
Quy mô đầu tư của sân bay Cát Bi mở rộng gồm 4 hợp phần.
Hợp phần thứ nhất là xây dựng đường cất cánh mới dài 3.050m, rộng 45m và dải bảo hiểm hai bên rộng 50m, dải hãm phanh đầu 07 và đầu 25 kích thước 100x60m, dải bảo hiểm kích thước 300x160m; đảm bảo cho các loại máy bay B777, B747, B767, A321 và tương đương cất hạ cánh an toàn.
Hợp phần thứ hai là xây dựng đường lăn gồm cải tạo đường cất hạ cánh hiện hữu thành đường lăn song song dài 457,4m, rộng 23m; xây dựng mới đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song dài 166m, rộng 23m; 2 đường lăn nối từ đường lăn song song với sân đỗ dài 77m, rộng 40m; 2 nút đường lăn nối với đường cất hạ cánh, chiều dài 90m, rộng 23m; 2 nút đường lăn thoát nhanh với đường cất hạ cánh, chiều dài 90m, rộng 23m.
Hợp phần thứ ba là xây dựng sân chờ hình thang; xây dựng mới sân đỗ máy bay đảm bảo 8 vị trí đỗ cho máy bay A321/giờ cao điểm và nối với sân đỗ hiện hữu; đảm bảo khai thác tất cả các loại máy bay cấp E mà các hãng hàng không trên thế giới đang sử dụng.
Hợp phần thứ tư là xây dựng các hệ thống thoát nước, đèn hiệu hàng không, chiếu sáng sân đỗ máy bay, tường rào bảo vệ khu bay, hố neo máy bay, quan trắc khí tượng và đài dẫn đường VOR/DME.
Diện tích sử dụng đất của sân bay là 162,36ha. Tổng mức vốn đầu tư là hơn 3.660 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, ngân sách thành phố Hải Phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án “Xây dựng nhà ga hành khách - Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi”
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, được trích từ vốn Quỹ đầu tư phát triển của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Dự án gồm các hạng mục: Nhà ga hành khách (diện tích sàn xây dựng 15.630 m2); nhà kỹ thuật M&E (500 m2); khu vực sân đỗ ôtô (6.305m2); đường giao thông tiếp cận (24.502 m2); đường tầng (4.766 m2); trạm điện thứ cấp; hệ thống điện chiếu sáng trong và ngoài nhà ga; hệ thống cấp thoát nước trong và ngoài nhà ga...
Nhà ga hành khách mới được xây dựng tại vị trí cách nhà ga hiện hữu khoảng 150m về phía Tây, tuân thủ Quy hoạch tổng thể điều chỉnh Cảng HKQT Cát Bi giai đoạn đến 2015 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 07/09/2012.
Nhà ga hành khách có tổng diện tích sàn 15.630m2, 2 ống lồng đôi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, công suất khai thác thực tế có thể đạt 4 triệu hành khách/năm, đáp ứng 1.000 hành khách giờ cao điểm.
Nhà ga được thiết kế 2 cao trình đi và đến tách biệt. Nhà ga Quốc tế được bố trí ở nửa phía Đông, còn nhà ga trong nước được bố trí ở nửa phía Tây của nhà ga. Nhà ga có 2 tầng, tầng 1 dùng để bố trí nhà ga đến (cả trong nước và Quốc tế), tầng 2 dùng để bố trí nhà ga đi (cả trong nước và Quốc tế).
Đặc biệt, nhà ga được thiết kế theo phong cách hiện đại, phát huy nét đặc thù văn hóa của địa phương với ý tưởng mô phỏng hình ảnh 2 cặp sừng trâu đan vào nhau trong lễ hội chọi trâu truyền thống tổ chức hàng năm tại Đồ Sơn.
Bên cạnh các điểm kết nối hiện tại với Hải Phòng, trong thời gian tới, Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi có tiềm năng mở rộng kết nối tới các điểm trong và ngoài nước. Trong đó, tuyến nội địa là: Cần Thơ, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Huế, Vinh, Điện Biên. Tuyến Quốc tế là Trung Quốc, Hồng Kông, Macao, Nhật Bản, Hàn Quốc,Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Việc Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi được nâng cấp và xây mới một số hạng mục quan trọng để nâng công suất hoạt động, mở thêm các tuyến bay mới sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển và kinh phí cho du khách đặc biệt là các tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Bắc bộ như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định. Đồng thời, nó còn giúp giảm tải cho Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.
Việc đầu tư xây dựng nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi được kỳ vọng tạo bước phát triển đột phá cho Hải Phòng, góp phần mở rộng khả năng kết nối Hải Phòng với các tỉnh, thành phố trong cả nước; với các nước trong khu vực và thế giới; đồng thời tạo động lực phát triển, phát huy tiềm năng kinh tế, khai thác thế mạnh du lịch, thu hút đầu tư của TP.Hải Phòng, khu vực duyên hải Bắc bộ và cả nước; góp phần củng cố, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
CONINCO đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần vào thành công chung của dự án, khẳng định vị trí của mình trong các công trình hàng không.
Một số hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiểm tra công trường
Một số hình ảnh của CONINCO trong quá trình thực hiện dự án