CONINCO tham dự Hội thảo trực tuyến “Phổ biến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3 :2022/BXD; QCVN 6 :2022/BXD

Thứ tư, 08/02/2023    Tin nội bộ

CONINCO tham dự Hội thảo trực tuyến “Phổ biến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3 :2022/BXD; QCVN 6 :2022/BXD

Ngày 08/02/2023, Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – CONINCO đã cử cán bộ tham dự hội thảo trực tuyến “Phổ biến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2022/BXD và QCVN 06:2022/BXD” do Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS) tổ chức nhằm cập nhật đầy đủ các thông tin về 02 Quy chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành để các kỹ sư, kiến trúc sư nắm vững kiến thức chuyên ngành trong quá trình thiết kế, thẩm tra, giám sát, quản lý dự án…góp phần tạo nên những công trình chất lượng.

QCVN 03:2022/BXD do Viện Khoa học Công nghệ xây dựng biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 05/TT-BXD ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. 
QCVN 03:2022/BXD thay thế cho QCVN 03:2012/BXD ban hành kèm theo Thông tư số 12/2012/TT-BXD ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Quy chuẩn này quy định về việc phân cấp công trình theo các tiêu chí sau:
Hậu quả do kết cấu công trình bị hư hỏng hoặc phá hủy (sau đây gọi là cấp hậu quả); Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình;Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình (hoặc các phần của công trình, sau đây gọi chung là công trình), bao gồm: bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng.
Quy chuẩn này áp dụng để xác định các giải pháp kinh tế - kỹ thuật khi thiết kế các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật và các công trình dạng nhà khác.
Quy chuẩn này áp dụng khi thiết kế xây dựng mới các công trình quy định tại 1.1.2 của quy chuẩn này, và khuyến khích áp dụng khi thiết kế cải tạo các công trình hiện hữu.

Quy định kỹ thuật về cấp hậu quả của công trình:
Cấp hậu quả của công trình được phân thành ba cấp: C1 (thấp), C2 (trung bình) và C3 (cao), được quy định tại Phụ lục A của quy chuẩn này và được xác định trong nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình.
Kết cấu và nền của công trình cần được thiết kế tương ứng với cấp hậu quả của công trình quy định tại quy chuẩn này theo các tiêu chuẩn thiết kế được lựa chọn áp dụng.
Phụ thuộc vào dạng kết cấu và những tình huống cụ thể trong thiết kế công trình, có thể áp dụng cấp hậu quả của một số bộ phận, cấu kiện kết cấu khác với cấp hậu quả của công trình.

Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình:
Tùy thuộc chức năng của công trình trong dự án đầu tư xây dựng, môi trường khai thác sử dụng, và thời hạn hoạt động của dự án (nếu có); thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình phải được xác định trong nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình.
Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình được chia thành bốn mức, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư có thể sử dụng các mức này để xác định thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình trong nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình.

Kết cấu của công trình phải được thiết kế theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng nhằm đảm bảo độ bền lâu tương ứng với thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình, có xét đến các yếu tố sau:
Các điều kiện khai thác sử dụng theo công năng; Ảnh hưởng của môi trường xung quanh; Các tính chất của vật liệu sử dụng, các giải pháp bảo vệ chúng khỏi các tác động bất lợi của môi trường cũng như khả năng suy giảm các tính chất của vật liệu.

Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình:
Việc phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình nhằm thiết lập các yêu cầu an toàn cháy khi thiết kế xây dựng các hệ thống phòng cháy chống cháy cho công trình, phụ thuộc vào công năng và tính nguy hiểm cháy của công trình.
Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình được thực hiện theo các tiêu chí sau: Bậc chịu lửa; Cấp nguy hiểm cháy kết cấu; Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng.
Bậc chịu lửa của công trình được phân thành 5 bậc từ I, II, III, IV đến V; phụ thuộc vào số tầng (hoặc chiều cao phòng cháy chữa cháy của công trình), nhóm nguy hiểm cháy theo công năng, diện tích khoang cháy và tính nguy hiểm cháy của các quá trình công nghệ diễn ra trong công trình.
Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của công trình được phân thành 4 cấp từ S0, S1, S2 đến S3; theo tính nguy hiểm cháy của cấu kiện.
Công trình được phân thành 5 nhóm nguy hiểm cháy theo công năng từ F1, F2, F3, F4 đến F5; tùy thuộc vào đặc điểm sử dụng chúng và vào mức đe dọa tới sự an toàn của người trong trường hợp xảy ra đám cháy có tính đến: lứa tuổi, trạng thái thể chất, khả năng có người đang ngủ, nhóm người sử dụng theo công năng chính và số người của nhóm đó.
Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của công trình được xác định theo QCVN 06:2022/BXD.

QCVN 06:2022/BXD do Viện Khoa học công nghệ xây dựng chủ trì, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) phối hợp biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 05/TT-BXD ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. 
QCVN 06:2022/BXD thay thế QCVN 06:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Quy chuẩn này quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng (khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng sau đây gọi chung là nhà); Phân loại kỹ thuật về cháy cho vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng, các phần và bộ phận của nhà, và nhà.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các nhà và công trình sau:
- Nhà ở: chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30 % tổng diện tích sàn;
- Các nhà công cộng có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm (trừ các công trình trực tiếp sử dụng làm nơi thờ cúng, tín ngưỡng; các công trình di tích); các loại sân thể thao ngoài trời có khán đài (sân vận động, sân tập luyện, thi đấu thể thao và tương tự);
- Các nhà sản xuất, nhà kho có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;
- Các nhà cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;
- Các nhà phục vụ giao thông vận tải có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 3 tầng hầm;
- Các nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (trừ nhà ươm, nhà kính trồng cây và tương tự).

Đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F1.3, F4.2, F4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 150m hoặc có từ 4 tầng hầm trở lên, các nhà có các đặc điểm riêng về phòng chống cháy khác với các nhóm nhà trong Bảng 6, thì ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này còn phải bổ sung các yêu cầu kỹ thuật và các giải pháp về tổ chức, về kỹ thuật công trình phù hợp với các đặc điểm riêng về phòng chống cháy của các nhà đó, trên cơ sở các tài liệu chuẩn được áp dụng.

Quy chuẩn này áp dụng khi xây dựng mới các nhà và công trình nêu tại 1.1.2, hoặc trong phạm vi những thay đổi sau:
Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi công năng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà; Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi các giải pháp thoát nạn của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà; Cải tạo, sửa chữa làm tăng tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng, hoặc làm giảm giới hạn chịu lửa của kết cấu, cấu kiện; Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của gian phòng, khoang cháy và nhà theo hướng tăng tính nguy hiểm cháy; Cải tạo, sửa chữa làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với gian phòng, khoang cháy và nhà; Cải tạo, sửa chữa hệ thống bảo vệ chống cháy của gian phòng, khoang cháy và nhà; Các trường hợp cải tạo, sửa chữa khác theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát PCCC và CNCH) có thẩm quyền.

Hoa Lữ (tổng hợp)