CONINCO tham dự Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4 – Cơ hội và thách thức với các ngành Công nghệ - Kỹ thuật”
Thứ bảy, 27/10/2018 Hợp tác quốc tế
Trong thời gian gần đây, khái niệm “Cách mạng Công nghiệp 4.0” (CMCN 4.0) được nhắc đến nhiều tại Việt Nam. Cùng với đó là những hứa hẹn về sự thay đổi mang tính đột phá do làn sóng này đem lại cho mọi lĩnh vực mọi khía cạnh trong xã hội Việt Nam. Để đáp ứng được nhu cầu đặt ra từ cuộc CMCN 4.0 cũng như để chuẩn bị tốt trước những thách thức chúng ta sẽ phải đối mặt, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp là điều tất yếu. Đứng trước yêu cầu đặt ra là làm thế nào để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lựơng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ sẽ cần có nhận thức và nhanh chóng thực hiện những thay đổi mạnh mẽ phù hợp trước sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0.
Không nằm ngoài mối quan tâm này, trường Đại học Việt Nhật phối hợp với trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Hội cơ học Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức với các ngành Công nghệ - Kỹ thuật”, vào ngày 27/10 vừa qua.
Tham gia hội thảo có sự hiện diện của các nhà quản lý và nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Vụ Đại học (Bộ giáo dục đào tạo), Cục KHCN Quân sự (Bộ Quốc phòng), ĐHQGHN, ĐH Bách Khoa, Học viện KTQS, ĐH Xây dựng, ĐH Giao thông, ĐH Việt Nhật, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH KH tự nhiên, ĐH Công nghệ, ĐH Thái Nguyên, ĐH Thuỷ Lợi, Viện KHNC Việt Nam, Viện KHCN Xây dựng, Viện KHCN Giao thông,…cùng các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực Kỹ thuật công nghệ và quản lý giáo dục.
Tham dự hội thảo lần này với tư cách là đối tác chiến lược trong lĩnh vực kết hợp đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao với ĐH Việt Nhật, đại diện CONINCO có TS. Hà Minh – Tổng giám đốc công ty, và TS. KTS. Lương Thị Ngọc Huyền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ va đào tạo CONINCO.
Là một trong những diễn giả tại buổi Hội thảo, TS.KTS. Lương Thị Ngọc Huyền đã có bài thuyết trình về chủ đề “Một số xu hướng trong ngành xây dựng thời đại kỹ thuật số”. Bên cạnh những tham luận từ quan điểm của các đơn vị đào tạo và nghiên cứu, bài thuyết trình đem đến một phần góc nhìn thực tiễn xuất phát từ nghiệp vụ sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và của CONINCO nói riêng trước nhu cầu chuyển biến mạnh mẽ cả về nghiên cứu phát triển kỹ thuật công nghệ, cả về phát triển đào tạo nhân sự chất lượng trong thời đại công nghệ 4.0.
Với hội nghị lần này, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, trưởng ban Tổ chức của Hội nghị mong muốn với các quan điểm chia sẻ đến từ những đơn vị tổ chức hàng đầu tại Việt Nam, sẽ giúp làm rõ những đặc trưng của cuộc CMCN 4.0, cũng như thách thức, cơ hội đối với các ngành Công nghệ - Kỹ thuật của Việt Nam, hướng đến cải tiến chương trình đào tạo hiện nay, đề xuất chương trình đào tạo mới cho các trường đại học, nhằm đáp ứng được tốt nhất cho nhu cầu thực tiễn của xã hội, tạo bước chuẩn bị đầy đủ để cuộc CMCN 4.0 sẽ đem lại những lợi ích và lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghệ, kỹ thuật của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại buổi Hội nghị, TS. Hà Minh cũng đã có những trao đổi trực tiếp và chia sẻ thêm với GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức về cơ hội cũng như thách thức không chỉ các đơn vị đào tạo mà các doanh nghiệp sẽ đối mặt trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong diễn biến nhanh chóng của CMCN 4.0. TS. Hà Minh bày tỏ, qua những buổi hội thảo và hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, CONINCO và trường ĐH Việt Nhật sẽ có những hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai.
* Thông tin về cuộc CMCN 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất... Qua đó, tạo ra những nhà máy thông minh với hệ thống máy móc tự kết nối với nhau, tự tổ chức và quản lý. Đây còn được gọi là cuộc cách mạng số. Hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á.