Tổng Giám đốc kiểm tra công trường các dự án: Nhà hát Hồ Gươm và Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam

Thứ tư, 12/04/2023    Hoạt động kinh doanh

Tổng Giám đốc kiểm tra công trường các dự án: Nhà hát Hồ Gươm và Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam

Ngày 07/04 và ngày 12/04/2023, Tổng Giám đốc Phan Ngọc Cương và phòng Quản lý kỹ thuật đã thị sát kiểm tra công trường dự án Nhà hát Hồ Gươm và dự án Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam. Đây là hai công trình quan trọng có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt ý nghĩa đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và quốc gia nói chung. Trung tâm Quản lý xây dựng (T.QX), Trung tâm thiết kế & Quản lý xây dựng (T.TQ) và Trung tâm Quản lý dự án đầu tư (T.QL) là các đơn vị giám sát dự án.

Dự án Nhà hát Hồ Gươm được xây dựng tại số 40, 40A đường Hàng Bài, phường Hàng Bài, Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội do Cục Hậu cần – Bộ Công an làm chủ đầu tư. Nhà hát Hồ Gươm là một thiết chế văn hóa cho Thủ đô Hà Nội, kết nối với các công trình văn hóa hiện có thành một chuỗi các công trình văn hóa nghệ thuật, tạo không gian vui chơi, giải trí và kết hợp với phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Tổng Giám đốc Phan Ngọc Cương (giữa) tại công trường dự án Nhà hát Hồ Gươm
Phòng Quản lý kỹ thuật và đoàn tư vấn tại công trường dự án Nhà hát Hồ Gươm

Công trình Nhà hát Hồ Gươm được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 5000 m2, diện tích xây dựng 3.553 m2 với tổng diện tích sàn xây dựng 24.000m2, gồm 06 tầng nổi và 03 tầng hầm. Nhà hát có phòng biểu diễn chính quy mô 900 chỗ và phòng biểu diễn phụ, được thiết kế xây dựng, trang bị kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, có thể biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật như nhạc giao hưởng, ca múa nhạc, kịch, xiếc... đồng thời đáp ứng tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị, các chương trình nghệ thuật lớn, theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm phục vụ yêu cầu nâng cao đời sống tinh thần cán bộ chiến sĩ và nhân dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Theo kế hoạch dự kiến, công trình sẽ hoàn thiện vào dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 – 19/8/2023).

Phối cảnh dự án Nhà hát Hồ Gươm

Dự án “Đầu tư xây dựng Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam” là công trình cấp I được triển khai xây dựng tại phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội có tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. Dự án được thiết kế theo phong cách hiện đại, đơn giản và tạo dòng chảy lịch sử bằng trực giác với màu sắc phù hợp, cho người xem ấn tượng trực tiếp về không gian với quy mô cao 4 tầng nổi và 1 tầng trệt, diện tích xây dựng 23.198m2, tổng diện tích sàn tòa nhà chính 64.640 m2, tổng chiều cao 35,8m. Dự án bao gồm hệ thống thang bộ, thang máy; hệ thống chiếu sáng được thiết kế hài hòa với chiếu sáng kiến trúc công trình và ánh sáng tự nhiên; sử dụng hệ thống thiết bị đa phương tiện kết hợp với hệ thống âm thanh định hướng để khách tham quan có thể tự do tương tác, đem lại trải nghiệm mới mẻ. 

Tổng Giám đốc Phan Ngọc Cương (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra công trường dự án Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam
Phòng Quản lý kỹ thuật và đoàn tư vấn tại công trường dự án Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ là một thiết chế văn hóa đa năng, tổng hợp, đặc biệt quan trọng, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và quốc gia; phản ánh toàn diện, sâu sắc, có hệ thống, đa dạng, phong phú, hài hòa, hấp dẫn về lịch sử quân sự Việt Nam qua các thời đại. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ là một công trình kiến trúc; bảo tàng đầu hệ của hệ thống các bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang; là nơi giữ gìn lâu dài các tài liệu, hiện vật về lịch sử quân sự, nghệ thuật quân sự của dân tộc; phục vụ việc tham quan, học tập, tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng; nghiên cứu khoa học, phổ biến tri thức về lịch sử - văn hóa – quân sự cho cộng đồng, cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ; giới thiệu toàn diện lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc của nước ta, sự hình thành phát triển của quân đội nhân dân trong các thời kỳ cách mạng của đất nước. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn là nơi tổ chức các cuộc triển lãm, hội nghị, hội thảo về lịch sử văn hóa của cộng đồng, tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa gắn với hoạt động của bảo tàng; là một trọng những trung tâm thông tin, một “ngân hàng” dữ liệu về lịch sử nghệ thuật quân sự, văn hóa có chất lượng cao; là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao về chuyên ngành bảo tàng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai.

Phối cảnh dự án Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam

Hai dự án Nhà hát Hồ Gươm và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam sau khi hoàn thành sẽ góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội, là điểm nhấn kiến trúc, kết nối hài hòa và bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu vực… 

Tại công trường dự án, Tổng Giám đốc và phòng Quản lý Kỹ thuật đã kiểm tra các hạng mục của công trình về quy trình, kỹ thuật… để đảm bảo công trình được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, giảm thiểu tối đa các sự cố trong quá trình thi công và vận hành sau này. Đồng thời Tổng Giám đốc đã nghe đoàn Tư vấn giám sát CONINCO báo cáo hiện trạng của dự án, những vấn đề phát sinh, từ đó đưa ra các giải pháp kịp thời để giải quyết, tránh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình. 

Là một trong những công ty tư vấn hàng đầu Việt Nam, CONINCO đã tham gia thực hiện thành công rất nhiều các dự án trọng điểm Quốc gia, bởi vậy, Tổng Giám đốc Phan Ngọc Cương nhấn mạnh, trong mỗi dự án CONINCO thực hiện, tất cả cán bộ, kĩ sư phải luôn làm việc tập trung, trách nhiệm và chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng công trình, nâng cao chất lượng dịch vụ; phát huy vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tư vấn CONINCO, khẳng định uy tín thương hiệu CONINCO đối với khách hàng, chủ đầu tư. 

Hoa Lữ